Những Ảnh Hưởng Của Axit Béo Chuỗi Ngắn Đến Sức Khỏe Và Cân Nặng

0
axit beo chuoi ngan duoc tao ra trong dai trang
Lợi khuẩn trong đại tràng dùng chất xơ để tạo ra axit béo chuỗi ngắn

Axit béo ngắn chuỗi được tạo ra bởi lợi khuẩn đường ruột.

Trên thực tế, loại axit béo này là nguồn dinh dưỡng chính cho các tế bào trong đại tràng.

Các axit béo chuỗi ngắn cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe và các căn bệnh.

Các axit béo này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm, tiểu đường tuýp 2, béo phì, tim mạch và các bệnh khác (1).

Bài báo này sẽ đề cập đến những ảnh hưởng của axit béo chuỗi ngắn đến sức khỏe.

Axit béo chuỗi ngắn là gì?

Axit béo chuỗi ngắn là các axit béo có ít hơn 6 nguyên tử cacbon (C) (2).

Chúng được sản sinh ra khi các lợi khuẩn đường ruột lên men chất xơ trong đại tràng và là nguồn năng lượng chính cho các tế bào bao phủ bề mặt trong của đại tràng.

Vì lý do này, axit béo chuỗi ngắn đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe đường ruột (1).

Các axit béo chuỗi ngắn dư thừa được dùng cho các hoạt động khác trong cơ thể. Ví dụ: axit béo này có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu calo hàng ngày của cơ thể (2).

Các axit béo chuỗi ngắn cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng quan trọng như carb và chất béo (3).

Khoảng 95% axit béo chuỗi ngắn trong cơ thể là:

Propionate chủ yếu tham gia sản xuất glucose trong gan, trong khi acetate butyrate được hợp nhất với các axit béo và cholesterol khác (4).

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng axit béo chuỗi ngắn trong đại tràng như số lượng vi sinh vật, nguồn thực phẩm và khoảng thời gian để thức ăn đi qua hệ tiêu hóa (5).

Kết luận: Axit béo chuỗi ngắn được tạo ra từ chất xơ được lên men trong đại tràng. Chúng hoạt động như một nguồn năng lượng cho các tế bào bao phủ bề mặt trong của đại tràng.

Nguồn thực phẩm cung cấp axit béo chuỗi ngắn

thuc pham giau chat xo la nguon tao ra axit beo chuoi ngan
Các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu hạt và ngũ cốc nguyên cám hỗ trợ việc sản xuất các axit béo chuỗi ngắn

Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau quả và cây họ đậu có thể gia tăng hàm lượng các axit béo chuỗi ngắn (6).

Một nghiên cứu trên 153 người đã cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn nhiều các loại thực vật thực vật với sự gia tăng lượng axit béo chuỗi ngắn trong phân (7)

Tuy nhiên, hàm lượng và loại chất xơ đưa vào cơ thể ảnh hưởng đến thành phần vi khuẩn đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến chủng loại axit béo chuỗi ngắn được sản sinh (8).

Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều chất xơ làm tăng lượng butyrate được sản sinh, và ngược lại giảm lượng chất xơ cũng khiến lượng butyrate ít đi (9).

Các loại chất xơ sau đây là tốt nhất cho việc sản xuất axit béo chuỗi ngắn trong đại tràng (10, 11):

  • Inulin: Bạn có thể bổ sung inulin từ atisô, tỏi, tỏi tây, hành tây, lúa mì, lúa mạch đen và măng tây.
  • Fructooligosaccharide (FOS): FOS có trong nhiều loại trái cây và rau quả như chuối, hành, tỏi và măng tây.
  • Tinh bột kháng tiêu: Tinh bột kháng tiêu có trong ngũ cốc, lúa mạch, gạo, đậu, chuối xanh, cây họ đậu và khoai tây đã được nấu chín để nguội.
  • Pectin: các nguồn cung cấp pectin tốt gồm có táo, mơ, cà rốt, cam
  • Arabinoxylan: Arabinoxylan được tìm thấy trong hạt ngũ cốc. Ví dụ, loại chất xơ này có hàm lượng cao nhất trong cám lúa mì, chiếm khoảng 70% tổng lượng chất xơ.
  • Guar gum: Guar gum được chiết xuất từ ​​đậu guar.

Một số loại pho mát, sữa bò cũng chứa một lượng butyrate nhỏ.

Kết luận: Các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu hạt và ngũ cốc nguyên cám hỗ trợ việc sản xuất các axit béo chuỗi ngắn.

Các axit béo chuỗi ngắn và chứng rối loạn tiêu hóa

Các axit béo chuỗi ngắn có thể có lợi đối với một số rối loạn tiêu hóa.

Ví dụ, butyrate có tác dụng chống viêm trong ruột (12).

axit beo chuoi ngan giup giam tieu chay
Axit béo chuỗi ngắn có thể giúp ích cho các bệnh về tiêu hóa

Tiêu chảy

Các vi khuẩn trong ruột chuyển hóa tinh bột kháng tiêu và pectin thành axit béo chuỗi ngắn, và hấp thụ các chất này đã được chứng minh có thể giảm tiêu chảy ở trẻ em (13, 14).

Bệnh viêm đường ruột

Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai loại bệnh viêm đường ruột chính (IBD). Cả hai đều có triệu chứng là viêm ruột mãn tính.

Vì có tính chất chống viêm nên butyrate đã được dùng để điều trị cả hai tình trạng trên.

Các nghiên cứu trên chuột cho thấy chất bổ sung butyrate và thực phẩm chức năng bổ sung acetate có cùng tác dụng giảm viêm ruột. Ngoài ra, nồng độ axit béo chuỗi ngắn trong cơ thể thấp có thể khiến tình trạng viêm loét đại tràng chuyển nặng hơn (15, 16).

Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy axit béo chuỗi ngắn, đặc biệt là butyrate có thể cải thiện triệu chứng viêm loét đại tràng và bệnh Crohn (17, 18, 19, 20).

Một nghiên cứu liên quan đến 22 bệnh nhân viêm loét đại tràng đã cho thấy rằng tiêu thụ 60 gram cám yến mạch mỗi ngày trong 3 tháng giúp cải thiện các triệu chứng bệnh (17).

Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy các chất bổ sung butyrate đã cải thiện tình trạng bệnh ở 53% bệnh nhân Crohn (18).

Đối với bệnh nhân viêm loét đại tràng, rửa ruột bằng axit béo chuỗi ngắn hai lần mỗi ngày trong 6 tuần làm giảm các triệu chứng xuống 13% (21).

Kết luận: Các axit béo chuỗi ngắn có thể làm thuyên giảm bệnh tiêu chảy và giúp điều trị các bệnh viêm ruột.

Axit béo chuỗi ngắn và ung thư đại tràng

an nhieu chat xo co the giam nguy co ung thu dai trang
Chế độ ăn giàu chất xơ có thể dẫn đến giảm nguy cơ ung thư đại tràng

Các axit béo chuỗi ngắn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng (22, 23, 24).

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng butyrate giúp duy trì tình trạng khỏe mạnh của các tế bào đại tràng, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư và giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong đại tràng (24, 25, 26, 27).

Tuy nhiên, cơ chế đằng sau các hiệu quả này vẫn chưa được làm rõ (28, 29, 30).

Một số nghiên cứu quan sát cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ có thể dẫn đến giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả này có được một phần nhờ vào sự sản sinh axit béo chuỗi ngắn (28, 30).

Một số nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện một mối liên hệ tích cực giữa chế độ ăn giàu chất xơ và việc giảm nguy cơ ung thư đại tràng (31, 32).

Trong một nghiên cứu, chuột có chứa vi khuẩn sản xuất butyrate trong ruột được cho ăn theo chế độ nhiều chất xơ có khối u nhỏ hơn 75% so với những con chuột không có vi khuẩn ruột này (33).

Điều thú vị là ăn theo chế độ ăn giàu chất xơ mà không có vi khuẩn sản sinh butyrate lại không có tác dụng phòng chống ung thư đại tràng. Chế độ ăn ít chất xơ kết hợp với vi khuẩn sản sinh butyrate trong ruột cũng không đem lại hiệu quả (33).

Điều này cho thấy lợi ích chống ung thư chỉ tồn tại khi có một chế độ ăn giàu chất xơ kết hợp với loại vi khuẩn chính xác trong ruột.

Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu trên con người lại cho ra những kết quả trái chiều. Một số chỉ ra chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư, trong khi một số khác lại không tìm thấy mối liên kết nào (34, 35, 36, 37).

Tuy nhiên, những nghiên cứu này đã không nghiên cứu về vi khuẩn ruột, và sự khác nhau giữa các loại có vai trò quan trọng.

Kết luận: Các axit béo chuỗi ngắn đã được chứng minh là có khả năng chống lại ung thư đại tràng trong các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Axit béo chuỗi ngắn và bệnh tiểu đường

axit beo chuoi ngan dieu chinh duong huyet
Axit béo chuỗi ngắn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu

Một bản tổng kết các bằng chứng đã phát hiện rằng butyrate có thể có tác động tích cực đối với cả động vật và người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 (38).

Bản tổng kết này cũng nhấn mạnh số lượng vi sinh vật đường ruột của những người mắc bệnh tiểu đường dường như có sự mất cân bằng (38, 39).

Các axit béo chuỗi ngắn đã được chứng minh là làm tăng hoạt tính của enzyme trong gan và mô cơ, dẫn đến kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn (40, 41, 42).

Trong các nghiên cứu trên động vật, thực phẩm chức năng bổ sung acetate và propionate đã cải thiện lượng đường huyết của loài chuột (43, 44, 45).

Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu trên con người, và kết quả của các cuộc nghiên cứu là không đồng nhất.

Một nghiên cứu cho thấy chất bổ sung propionate làm giảm lượng đường trong máu, nhưng một nghiên cứu khác cho thấy các chất bổ sung axit béo chuỗi ngắn không ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát đường huyết ở người khỏe mạnh (46, 47).

Một số nghiên cứu trên người cũng cho thấy chất xơ lên ​​men có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và độ nhạy insulin (48, 49).

Tuy nhiên, hiệu quả này nhìn chung chỉ được phát hiện ở những người thừa cân hoặc kháng insulin, chứ không có ở những người khỏe mạnh (46, 47, 50).

Kết luận: Các axit béo chuỗi ngắn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, đặc biệt đối với những người bị tiểu đường hoặc kháng insulin.

Axit béo chuỗi ngắn và giảm cân

axit beo chuoi ngan co the giup giam canThành phần vi sinh vật trong ruột có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng và điều tiết năng lượng, do đó nó cũng ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh béo phì (51, 52).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo chuỗi ngắn cũng giúp điều hòa trao đổi chất béo bằng cách tăng cường đốt mỡ và giảm lượng chất béo tích trữ (8).

Khi điều này xảy ra, lượng axit béo tự do trong máu sẽ giảm, và có thể ngăn ngừa việc tăng cân (40, 53, 54, 55).

Một số nghiên cứu trên động vật đã kiểm nghiệm tác dụng này. Sau 5 tuần điều trị bằng butyrate, chuột nhắt béo phì đã giảm được 10.2% trọng lượng cơ thể ban đầu, và giảm 10% lượng chất béo. Ở loài chuột gặm nhấm, bổ sung acetate đã làm giảm lượng mỡ tích trữ (40, 56).

Tuy nhiên, các bằng chứng chứng tỏ axit béo chuỗi ngắn giúp giảm cân chủ yếu là các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm.

Kết luận: Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy các axit béo chuỗi ngắn có thể giúp ngăn ngừa và điều trị chứng béo phì. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu ở con người.

Axit béo chuỗi ngắn và sức khỏe tim mạch

axit beo chuoi ngan co the ngan ngua benh tim
Axit béo chuỗi ngắn có thể ngăn ngừa bệnh tim

Nhiều nghiên cứu quan sát đã chỉ ra chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim.

Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu còn phải phụ thuộc vào loại chất xơ và nguồn cung cấp (57).

Ở người, chất xơ cũng có thể làm giảm chứng viêm (58).

Một trong những nguyên nhân khiến chất xơ có khả năng giảm nguy cơ bệnh tim có thể là do các axit béo chuỗi ngắn được sản sinh trong đại tràng (59, 60, 61).

Các nghiên cứu ở cả động vật và người đã phát hiện ra rằng các axit béo chuỗi ngắn làm giảm lượng cholesterol (28, 62, 63, 64, 65).

Butyrate được cho là có thể tương tác với các loại gen chủ yếu tạo nên cholesterol, từ đó làm giảm sản sinh cholesterol (66).

Ví dụ, lượng cholesterol sản sinh trong gan của chuột đã giảm xuống khi chúng được bổ sung propionate. Axit acetic cũng có thể làm giảm hàm lượng cholesterol ở chuột (62, 67, 68).

Hiệu quả tương tự cũng đã xảy ra ở người béo phì, khi acetate trong giấm làm giảm lượng cholesterol dư thừa trong máu (64).

Kết luận: Các axit béo chuỗi ngắn có thể ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim bằng cách giảm chứng viêm và ngăn chặn sự sản sinh cholesterol.

Bạn có nên bổ sung axit béo chuỗi ngắn?

an chat xo la tot nhat
Ăn các thực phẩm giàu chất xơ là cách tốt nhất để gia tăng lượng axit béo chuỗi ngắn

Thực phẩm chức năng bổ sung axit béo chuỗi ngắn thường gặp nhất là muối axit butyric.

Muối axit butyric gồm có natri, kali, canxi hoặc magie butyrate. Bạn có thể dễ dàng tìm mua trên mạng hoặc tại các hiệu thuốc.

Tuy nhiên, bổ sung có thể không phải là cách tốt nhất để tăng lượng axit béo chuỗi ngắn. Chất bổ sung butyrate thường được hấp thu ở ruột non, trước khi chúng đi đến được đại tràng, nghĩa là tất cả các lợi ích đến tế bào đại tràng sẽ không còn.

Ngoài ra, có rất ít bằng chứng khoa học về hiệu quả của chất bổ sung axit béo chuỗi ngắn.

Butyrate có thể đi đến đại tràng khi nó được lên men từ chất xơ. Do đó, việc tăng lượng thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn có lẽ là cách tốt hơn để cải thiện lượng axit béo chuỗi ngắn.

Kết luận: Ăn các thực phẩm giàu chất xơ là cách tốt nhất để gia tăng lượng axit béo chuỗi ngắn, vì các chất bổ sung sẽ bị hấp thu hết trước khi đến được đại tràng.

Những điều cần ghi nhớ

Do khả năng chống viêm và chống ung thư, các axit béo chuỗi ngắn có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho cơ thể.

Một điều chắc chắn là: chăm sóc lợi khuẩn đường ruột có thể mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe.

Cách tốt nhất để nuôi các lợi khuẩn đường ruột là ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể lên ​​men.

Bắt đầu một chương trình giảm cân tùy chỉnh. Bữa Ăn Hoàn Hảo giúp bạn áp dụng những thói quen lành mạnh để bạn có thể giảm cân và duy trì nó. Chương trình của bạn được tùy chỉnh theo mục tiêu và nhu cầu thể chất của bạn. Chỉ cần làm bài đánh giá nhanh và bắt đầu ngay hôm nay. Nhấn đây để bắt đầu
Subscribe
Thông báo cho
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments