Mật đường là chất làm ngọt được cho là lành mạnh hơn đường.
Mật đường thậm chí có thể mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ đặc biệt.
Bài viết này giải thích tất cả mọi điều bạn cần biết về mật đường.
Mật đường là gì?
Mật đường là một chất làm ngọt được hình thành như một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất đường.
Đầu tiên, mía hoặc củ cải đường bị nghiền nát và chiết xuất nước ra ép.
Nước ép sau đó được đun sôi để tạo ra các tinh thể đường đã được loại bỏ chất lỏng. Mật đường là xi rô nâu, đặc còn sót lại sau khi đã được lấy đường ra khỏi nước ép.
Quá trình này được lặp lại nhiều lần, và mỗi lần sản xuất ra một loại mật đường khác nhau.
Mật đường trông như thế này:
Tóm tắt: Mật đường là một loại xi-rô đặc được làm trong quá trình sản xuất đường, xuất phát từ mía đường hoặc củ cải đường nghiền.
Phân loại
Xi-rô này có nhiều loại khác nhau, đa dạng về màu sắc, tính đồng nhất, hương vị và hàm lượng đường.
Mật đường sáng màu
Đây là loại xi-rô được làm từ lần sôi đầu tiên. Nó có màu sáng nhất và ngọt nhất. Thường được dùng trong món nướng.
Mật đường sậm màu
Đây là loại được tạo ra từ lần đun sôi thứ hai. Nó đặc hơn, tối màu hơn và ít ngọt. Nó cũng có thể được dùng trong món nướng, nhưng tạo ra màu sắc và hương vị khác biệt hơn.
Mật đường đen
Đây là xi-rô được sản xuất sau lần đun sôi thứ ba. Là loại đặc nhất và tối màu nhất, đồng thời hơi có vị đắng.
Mật đường đen là dạng đậm đặc nhất, chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhất. Vì lý do đó, loại này được cho là có nhiều lợi ích sức khoẻ nhất.
Không chứa lưu huỳnh và chứa lưu huỳnh
Mật đường được dán nhãn “chứa lưu huỳnh” có chứa sulfur dioxide. Sulfur dioxide hoạt động như một chất bảo quản và giúp thực phẩm không bị hỏng.
Các loại chứa lưu huỳnh có khuynh hướng ít ngọt hơn các sản phẩm không chứa lưu huỳnh.
Các loại khác
Mật đường cũng có thể được làm từ lúa miến, lựu, hạt minh quyết (carob) và quả chà là.
Tóm tắt: Mật đường có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như loại sáng màu, sậm màu và đen.
Nó chứa một số vitamin và khoáng chất, nhưng lại chứa lượng đường cao
Không giống như đường tinh luyện, mật đường cũng chứa một số vitamin và khoáng chất (1).
Đây là những chất dinh dưỡng bạn có thể tìm thấy trong 40 gram, hoặc khoảng hai muỗng canh mật đường:
- Vitamin B6: 14% RDI.
- Canxi: 8% RDI.
- Kali: 16% RDI.
- Đồng: 10% RDI.
- Sắt: 10% RDI.
- Magiê: 24% RDI.
- Mangan: 30% RDI.
- Selen: 10% RDI.
Hai muỗng canh mật đường cũng chứa khoảng 116 calo, tất cả đều có nguồn gốc từ carb – chủ yếu là đường.
Vì vậy, mặc dù chứa vitamin và khoáng chất, hãy nhớ mật đường cũng có lượng đường cao. Đường có thể rất nguy hại cho sức khoẻ của bạn khi tiêu thụ quá mức.
Tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan đến một số vấn đề về sức khoẻ phổ biến nhất thế giới, bao gồm chứng béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim (2, 3, 4).
Do hàm lượng đường cao nên đừng thêm mật đường vào chế độ ăn uống của bạn chỉ vì cần các chất dinh dưỡng. Cách tốt nhất để có được các chất dinh dưỡng là ăn thực phẩm nguyên chất.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn đường, thì đây chắc chắn là một sự thay thế lành mạnh hơn.
Tóm tắt: Mật đường có chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng và có hàm lượng khoáng chất khá cao. Tuy nhiên, nó cũng chứa lượng đường rất lớn.
Lợi ích sức khoẻ tiềm tàng
Có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng sức khoẻ của mật đường. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng có trong đó đã được hệ với một số lợi ích sức khỏe.
Sức khỏe xương
Loại xi-rô này chứa một lượng canxi nhất định, đóng một vai trò quan trọng trong sức khoẻ xương và ngăn ngừa chứng loãng xương (5).
Nó cũng là nguồn đồng, sắt và selen tốt, tất cả đều giúp duy trì xương khỏe mạnh (6).
Sức khỏe tim mạch
Mật đường là nguồn kali tốt giúp giữ huyết áp ở mức bình thường và duy trì sức khoẻ tim mạch (7).
Mặc dù điều này chưa được nghiên cứu ở con người nhưng các nghiên cứu ở chuột cho thấy, bổ sung mật đường có thể giúp làm tăng cholesterol HDL hay còn gọi là cholesterol “tốt” (8).
Mức cholesterol HDL vừa phải có thể bảo vệ chống lại bệnh tim và đột quỵ.
Đường huyết
Mật đường cũng có thể giúp ổn định lượng đường trong máu ở người lớn khỏe mạnh.
Một nghiên cứu cho thấy ăn nó cùng với thực phẩm chứa carb có thể làm giảm lượng đường trong máu và lượng insulin so với khi chỉ ăn thức ăn (9).
Tuy nhiên, mật đường đạt điểm số 55 trên thang chỉ số glycemic, dùng đo lường mức độ thức ăn làm tăng lượng đường trong máu nhanh hay chậm. Con số này không thấp hơn mấy so với đường tinh luyện, vào khoảng 60.
Những người bị đái tháo đường có thể muốn chọn chất làm ngọt có calo thấp như cỏ ngọt stevia hoặc erythritol.
Chất chống oxy hoá
Theo nghiên cứu, mật đường đen chứa nhiều chất chống oxy hoá hơn mật ong, cũng như các chất làm ngọt tự nhiên khác như xi-rô cây phong và mật hoa thùa (agave) (10).
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các chất chống oxy hoá chứa trong đó có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi mất cân bằng oxy hoá liên quan đến ung thư và các bệnh khác (11).
Tóm tắt: Mật đường chứa một số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ. Đồng thời chứa chất chống oxy hoá cao hơn chất làm ngọt thông thường khác.
Độ an toàn và tác dụng phụ
Mật đường an toàn cho hầu hết mọi người khi dùng tiết chế.
Tuy nhiên, trong khi đây có thể là sự thay thế tốt cho đường tinh luyện thì chút lượng đường dư thừa nào cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.
Những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh dùng.
Ngoài ra, mật đường có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Tiêu thụ một lượng lớn có thể làm lỏng phân hoặc tiêu chảy.
Nếu bạn mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc rối loạn tiêu hóa, nên tránh dùng xi-rô này.
Tóm tắt: Mật đường rất an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng cần được tiêu thụ tiết chế. Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tiêu hóa nên tránh dùng.
“Ít có hại” hơn đường một chút
Mật đường chứa một số chất dinh dưỡng và chất chống oxy hoá quan trọng, do đó nó là một lựa chọn tốt hơn so với đường tinh luyện.
Tuy nhiên, nó vẫn còn chứa lượng đường rất cao, có thể có hại khi tiêu thụ quá mức.
Suy cho cùng thì mật đường chỉ là một dạng đường “ít có hại” một chút.