9 Nguyên Nhân Thực Phẩm Chế Biến Gây Hại Cho Sức Khỏe Con Người

1
thuc pham che bien co hai
Thực phẩm chế biến đang ngày có ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của con người

Thực phẩm chế biến sẵn rất có hại.

Chúng là nguyên nhân chính cho lí do vì sao dân số thế giới ngày càng trở nên béo phì và ốm yếu.

Làm sao mà chúng ta biết được điều đó?

Mỗi khi người dân chấp nhận chế độ ăn “kiểu phương Tây” toàn các thực phẩm chế biến sẵn là một lần sức khỏe của họ kém đi.

Nó xảy ra trong vòng một vài năm gần đây. Sức khỏe càng yếu kém không phải do gen của ta thay đổi, mà chính là các loại thực phẩm chúng ta ăn đã thay đổi.

Thực phẩm thật và thực phẩm chế biến

Cụm từ “chế biến” thường gây ra một vài thắc mắc, vậy hãy để tôi làm rõ ý này.

Rõ ràng rằng hầu hết các loại thực phẩm mà ta ăn đều được chế biến theo cách nào đó. Táo được hái từ trên cây, thịt bò được xay bằng máy, và bơ là kem đã được tách ra khỏi sữa và đã được đánh cho bông lên.

Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa xử lý cơ học và xử lý hóa học.

Nếu một loại thực phẩm chỉ chứa một thành phần và không có hóa chất phụ gia nào được thêm vào, thì không có vấn đề gì nếu nó được xay hoặc đổ vào lọ. Về bản chất, nó vẫn là thực phẩm “thật.”

Tuy nhiên thực phẩm đã trải qua xử lý hóa học và chế biến từ các thành phần tinh chế và các chất nhân tạo, chúng được gọi chung là “thực phẩm chế biến.”

Dưới đây là 9 nguyên nhân khiến thực phẩm chế biến sẵn gây hại cho sức khỏe.

1. Thực phẩm qua chế biến thường chứa nhiều đường và xi rô bắp cao phân tử

thuc pham che bien co hai
Đường dù tồn tại ở dạng nào cũng đều có hại

Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều đường hoặc “người anh em xấu xa của nó” – xi rô bắp cao phân tử.

Mọi người cũng biết rằng đường khi được tiêu thụ quá nhiều cực kỳ có hại.

Như chúng ta đều biết thì đường chứa calo “rỗng” – nó không có các dưỡng chất thiết yếu, nhưng lại chứa nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, khi chúng ta đề cập đến tác hại của đường, thì việc nó không chứa calo mới chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đường có những ảnh hưởng tàn phá đến quá trình trao đổi chất vượt xa cả hàm lượng calo của nó (1).

Nó có thể gây kháng insulin, tăng cao nồng độ triglyceride, tăng mức cholesterol độc hại và tăng lượng chất béo tích tụ trong gan và vùng bụng (2, 3).

Không hề bất ngờ khi biết rằng ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến những căn bệnh gây chết người trên toàn thế giới hiện nay bao gồm bệnh tim, tiểu đường, béo phì và ung thư (4, 5, 6, 7, 8).

Hầu hết mọi người đều đang thêm rất nhiều đường vào cà phê hoặc bát ngũ cốc ăn sáng của họ, hay nói cách khác họ đang tiêu thụ đường thông từ các loại thực phẩm chế biến và đồ uống giải khát có chứa đường.

Điểm mấu chốt: Thực phẩm chế biến và đồ uống giải khát là những nguồn cung cấp đường phụ gia (và HFCS) nhiều nhất trong chế độ ăn hiện nay. Đường cực kì có hại cho sức khỏe và có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng lên quá trình trao đổi chất khi ăn quá nhiều

2. Thực phẩm chế biến dễ gây “tăng động” cho não bộ và dẫn đến ăn quá nhiều

Tất cả chúng ta đều muốn ăn ngon. Đó là bản năng tự nhiên của con người.

Quá trình tiến hóa đã cho chúng ta bộ cảm vị để nếm và giúp chúng ta định hướng trong môi trường thức ăn tự nhiên.

Khẩu vị của chúng ta hướng đến các món ăn ngọt, mặn và béo, bởi bộ não chúng ta biết được những đồ ăn này chứa nhiều năng lượng và dinh dưỡng cần thiết để sinh tồn.

thuc pham che bien gay thoa man cao
Con người dễ ăn nhiều những thứ có vị ngon cho dù không lành mạnh

Rõ ràng là nếu những nhà sản xuất muốn thành công và khiến khách hàng dùng sản phẩm của mình thì đồ ăn của họ phải ngon.

Ngày nay, cuộc chiến giữa những nhà sản xuất rất khốc liệt khi mà có nhiều các hãng thực phẩm đang cạnh tranh lẫn nhau.

Chính vì vậy, một nguồn tài nguyên khổng lồ đã được đầu tư vào việc chế biến thực phẩm càng hấp dẫn càng tốt.

Rất nhiều loại thực phẩm qua chế biến được thiết kế để có khả năng “thỏa mãn” não bộ mới mức đánh bại được bản năng tự nhiên của chúng ta.

Trong cơ thể và bộ não con người có những cơ chế cực kỳ phức tạp được cho là để điều hòa cân bằng năng lượng (giữa lượng chúng ta ăn và lượng cơ thể chúng ta đốt cháy). Cho đến tận thời kì tiến hóa gần đây, sự cân bằng năng lượng này vẫn luôn hoạt động đễ giữ cho chúng ta có cân nặng hợp lý.

Có khá nhiều bằng chứng cho thấy giá trị tưởng thưởng của thực phẩm có thể vượt qua cơ chế tự bảo vệ của cơ thể và làm chúng ta ăn nhiều hơn lượng cần thiết, nhiều đến mức giá trị này bắt đầu thỏa hiệp với sức khỏe của chúng ta (9, 10).

Điều này còn biết đến là “giả thuyết thực phẩm hấp dẫn gây béo phì.”

Sự thật là những loại thực phẩm chế biến kích thích mạnh mẽ đến não bộ, tới mức chúng gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của chúng ta, làm chúng ta ăn nhiều hơn, cho đến khi sức khỏe của chúng ta bắt đầu kém đi.

Thực phẩm “thật” thì rất tốt cho sức khỏe, nhưng những loại thực phẩm được tạo ra để mang lại cảm cực kì thỏa mãn, kích thích cơ chế hãm tự nhiên của cơ thể chống lại việc tiêu thụ quá nhiều lại KHÔNG tốt.

Điểm mấu chốt: Những nhà sản xuất thực phẩm bỏ ra nguồn tài nguyên lớn để sản xuất các loại thực gây “thỏa mãn” hết sức có thể lên não bộ, dẫn đến ăn quá nhiều.

3. Thực phẩm chế biến còn chứa nhiều thành phần nhân tạo

Nếu bạn nhìn vào bảng thành phần dinh dưỡng trên nhãn các sản phẩm qua chế biến và được đóng gói, có thể bạn sẽ không biết được một vài nguyên liệu có trong đó là gì.

Đó là bởi vì có rất nhiều nguyên liệu không hẳn là thực phẩm, chúng là các hóa chất nhân tạo được thêm vào vì nhiều mục đích khác nhau.

Một ví dụ về thực phẩm qua chế biến là một thanh Atkins Advantage, được quảng cáo là thực phẩm thân thiện cho sức khỏe với lượng carb thấp.

thanh phan trong san pham atkins-advantage
Thành phần nguyên liệu của sản phẩm Atkins Advantage

Tôi không rõ đó là gì, nhưng chắc chắn đó ko phải là thực phẩm.

Những thực phẩm chế biến thường chứa:

  • Chất bảo quản: hóa chất giúp đồ ăn khỏi bị hỏng
  • Chất tạo màu: hóa chất dùng để tạo màu cho đồ ăn
  • Chất tạo vị: hóa chất dùng để tạo vị cho đồ ăn
  • Chất tạo kết cấu: hóa chất dùng để tạo kết cấu nhất định cho đồ ăn

Hãy luôn nhớ rằng, thực phẩm chế biến chứa hàng đống hóa chất phụ gia không được liệt kê trong thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác. Ví dụ, “hương liệu nhân tạo” là một thành phần pha trộn độc quyền. Các hãng sản xuất không tiết lộ chính xác thành phần này là gì và chúng thường là hỗn hợp của các loại hóa chất.

Chính vì vậy, khi bạn thấy “hương liệu nhân tạo” trên nhãn mác thì có nghĩa là trong đó có tới 10 hoặc hơn các loại chất hóa học phụ gia được trộn với nhau để tạo vị nhất định.

Dĩ nhiên, hầu hết các loại hóa chất này được cho là đã qua kiểm định an toàn. Tuy vậy, khi các cơ quan kiểm định vẫn nghĩ là đường và dầu thực vật là an toàn, thì “tem chứng nhận thực phẩm an toàn” là một khái niệm không hoàn toàn đáng tin cậy với nhiều người tiêu dùng.

Điểm mấu chốt: Hầu hết các loại thực phẩm chế biến đều chứa hóa chất nhân tạo, bao gồm chất tạo vị, tạo kết cấu, chất bảo quản và chất tạo màu.

4. Rất nhiều người có thể nghiện ăn thực phẩm rác chế biến

banh muffin san xuat hang loat
Thực phẩm chế biến gây thỏa mãn cao

Tính “gây thỏa mãn cao” của thực phẩm chế biến có thể gây hậu quả nghiêm trọng lên một số người.

Một số người thực sự nghiện các món ăn này và mất kiểm soát hoàn toàn với lượng thức ăn nạp vào cơ thể họ.

nghiện ăn là một khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng thực tế đây là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội ngày nay.

Đây là lí do tại sao nhiều người không thể ngừng ăn những loại đồ ăn này, dù họ có cố gắng đến đâu.

Các chất sinh hóa trong não của họ bị tấn công bởi sự sản sinh dopamine dữ dội – hiện tượng xảy ra khi họ ăn những loại thực phẩm chế biến đó (11).

Hiện tượng này đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu. Đường và thức ăn rác gây thỏa mãn cao kích hoạt cùng những vùng trong não giống như khi ta lạm dụng các loại thuốc như cocaine (12).

Điểm mấu chốt: Với nhiều người, thức ăn nhanh có thể tấn công các chất sinh hóa trong não, dẫn đến nghiện ở mức độ nặng và khiến họ không kiểm soát được lượng đồ ăn nạp vào cơ thể.

5. Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều carbonhydrate tinh luyện

banh mi chua nhiêu carb
Carb tinh luyện khiến đường huyết và nồng độ insulin trong máu tăng đột biến

Hiện nay, có nhiều tranh cãi liên quan đến carbonhydrate trong chế độ ăn uống.

Một số người nghĩ rằng phần lớn năng lượng chúng ta nạp vào cơ thể là từ carb, nhưng những người khác lại cho rằng nên tránh xa carb càng xa càng tốt.

Nhưng có một điều mà mọi người đều đồng ý, đó là carbonhydrate từ thực phẩm nguyên chất tốt hơn nhiều so với carbonhydrate tinh luyện.

Thực phẩm qua chế biến thường chứa nhiều carb, nhưng lại là carb đã qua tinh chế.

Một trong những vấn đề chính là carbonhydrate dạng “đơn giản”, đã tinh luyện dễ phân rã ra trong hệ tiêu hóa, khiến đường huyết và nồng độ insulin trong máu tăng đột biến.

Điều này có thể dẫn đến sự thèm ăn carb ngay sau đó vài giờ khi lượng đường huyết giảm xuống. Hiện tượng này được gọi là “tàu lượn đường huyết” – một tình trạng quen thuộc với những người có chế độ ăn nhiều carb.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ăn quá nhiều carb tinh luyện sẽ dễ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe và nhiều căn bệnh mãn tính (13, 14, 15).

Đừng bao giờ để bị lừa bởi những cụm từ như “ngũ cốc nguyên chất” được dán trên bao bì các loại thực phẩm chế biến, bao gồm cả các loại ngũ cốc ăn sáng.

Đó thường là những loại ngũ cốc thô, nguyên chất đã được nghiền thành dạng siêu mịn và cũng gây hại cho sức khỏe ngang với các sản phẩm tương tự đã qua tinh luyện.

Nếu bạn đang ăn carb, hãy ăn loại có nguồn gốc từ thực phẩm nguyên chất, chỉ chứa một thành phần, chứ không phải carb từ các loại thức ăn nhanh

Điểm mấu chốt: Carbonhydrate có trong thực phẩm chế biến thường là loại carb đơn, đã qua tinh chế. Loại carb này khiến cho đường huyết và nồng độ insulin tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.

6. Hầu hết các loại thực phẩm chế biến rất nghèo dinh dưỡng

So với thực phẩm nguyên chất và chưa qua chế biến thì thực phẩm chế biến chứa rất ít các chất dinh dưỡng quan trọng.

thuc pham che bien ngheo dinh duong
Quá trình chế biến loại bỏ hầu như tất cả dinh dưỡng trong thực phẩm

Trong một vài trường hợp, các loại vitamin và khoáng chất tổng hợp được thêm vào thực phẩm để bù cho những gì đã mất sau quá trình chế biến và xử lý.

Tuy nhiên dinh dưỡng tổng hợp không phải là một sự thay thế hoàn hảo cho những chất dinh dưỡng có sẵn trong thực phẩm nguyên chất

Đồng thời đừng quên rằng thực phẩm nguyên chất chứa rất nhiều thứ hơn là chỉ các loại vitamin và khoáng chất tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc với chúng ta.

Thực phẩm thật như thực vật và động vật, chứa hàng ngàn chất dinh dưỡng vi lượng mà khoa học mới chỉ vừa bắt đầu công cuộc nghiên cứu.

Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ chế ra một loại hợp chất hóa học nào đó có thể thay thế hết tất cả các chất dinh dưỡng kể trên, nhưng cho đến ngày điều đó thành hiện thực, cách duy nhất để nạp được các chất đó trong chế độ ăn là ăn thực phẩm nguyên chất và chưa qua chế biến.

Càng ăn nhiều các thực phẩm chế biến, lượng vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng vi lượng nạp vào cơ thể sẽ càng ít đi.

Điểu mấu chốt: Có rất nhiều chất dinh dưỡng được tìm thấy trong các thực phẩm nguyên chất nhưng không có trong thực phẩm chế biến. Càng ăn nhiều các thực phẩm chế biến, lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể càng ít đi.

7. Thực phẩm chế biến có rất ít chất xơ

thuc pham rac ngheo chat xo
Chất xơ sẵn có trong thực phẩm thường dễ mất đi hoặc bị loại bỏ trong quá trình chế biến

Chất xơ đặc biệt là chất xơ hòa tan và lên men có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Một trong những lợi ích chính là chất xơ có chức năng như prebiotic – nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong ruột (16, 17).

Còn có bằng chứng chỉ ra rằng chất xơ làm giảm hấp thu carb và giúp ta cảm thấy thỏa mãn hơn dù ăn ít calo (18, 19).

Chất xơ hòa tan còn giúp chữa chứng táo bón – một vấn đề khá phổ biến hiện nay (20).

Chất xơ sẵn có trong thực phẩm thường dễ mất đi hoặc bị loại bỏ trong quá trình chế biến. Chính vì vậy hầu hết các loại thực phẩm qua chế biến rất ít chất xơ.

Điểm mấu chốt: Chất xơ hòa tan, lên men có rất nhiều lợi ích quan trọng đối với sức khỏe. Tuy vậy, hầu hết các loại thực phẩm chế biến thường chứa rất ít chất xơ bởi nó đã bị mất đi hoặc bị loại bỏ trong quá trình chế biến

8. Tiêu hóa thực phẩm chế biến tiêu tốn ít năng lượng và thời gian hơn

tieu hoa thuc pham che bien it ton nang luongNhững nhà sản xuất thực phẩm mong muốn các sản phẩm chế biến của họ có thể giữ được trong một thời gian dài mà không bị hỏng.

Đồng thời, họ cũng muốn các lô sản phẩm phải có chất lượng đồng nhất và thực phẩm của họ sẽ dễ dàng tiêu thụ hơn trên thị trường.

Vì thực phẩm đã được chế biến nên chúng dễ nhai và dễ tiêu hóa hơn. Đôi khi ta còn cảm thấy như chúng tan ngay trong miệng.

Hầu hết các chất xơ đã bị loại bỏ và các thành phần đều là chất dinh dưỡng đã tinh luyện và phân lập không hề giống với các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm nguyên chất.

Một hậu quả của việc này là việc tiêu hóa các thực phẩm qua chế biến tốn ít năng lượng hơn.

Khi so sánh với việc ăn các loại thực phẩm nguyên chất và chưa qua chế biến, chúng ta có thể ăn nhiều thực phẩm chế biến hơn, tốn ít thời gian hơn (đồng thời nạp calo nhiều hơn) cũng như đốt cháy năng lượng ít hơn (thải ít calo hơn).

Một nghiên cứu được thực hiện với 17 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh để so sánh lượng năng lượng tiêu hao sau khi ăn bữa ăn có thực phẩm nguyên chất với bữa ăn có thực phẩm qua chế biến (21).

Họ ăn bánh kẹp, bánh mì chứa nhiều loại ngũ cốc và pho mát cheddar hoặc bánh mì trắng và pho mát đã chế biến.

Kết quả là họ đốt cháy được lượng calo nhiều gấp đôi khi tiêu hóa thức ăn nguyên chất.

Hiệu suất nhiệt của thực phẩm (TEF) là thước đo độ tiêu hao năng lượng của các loại thực phẩm khác nhau sau khi ăn. Ở người bình thường, tổng hiệu suất này là 10% tổng năng lượng tiêu hao (tỉ lệ trao đổi chất).

Theo nghiên cứu này, những người ăn thực phẩm chế biến sẽ giảm chỉ số TEF của họ xuống còn một nửa, đồng thời cũng giảm đáng kể lượng calo mà cơ thể họ đốt trong cả ngày.

Điểu mấu chốt: Khi tiêu hóa và trao đổi chất thực phẩm chế biến, chúng ta chỉ đốt cháy được một nửa lượng calo so với việc ăn thực phẩm nguyên chất.

9. Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa hoặc dầu thực vật đã qua xử lý

dau thuc vat co hai
Thực phẩm rác được chế biến bằng dầu thực vật

Thực phẩm chế biến thường chứa hàm lượng cao các chất béo có hại.

Chúng thường chứa các loại chất béo giá rẻ, chiết xuất từ các loại hạt và dầu thực vật tinh luyện (như dầu đậu nành) dễ bị hydro hóa và biến thành chất béo chuyển hóa.

Dầu thực vật cực kỳ có hại cho sức khỏe và hầu hết mọi người đều tiêu thụ một lượng lớn mà không hề hay biết.

Những chất béo chứa một lượng lớn axit béo Omega-6, có thể gây oxy hóa và chứng sưng viêm (22, 23).

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng khi con người ăn quá nhiều loại dầu này, họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao – căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở các nước phương Tây hiện nay (24, 25, 26).

Nếu chất béo bị hydro hóa, hậu quả còn tai hại hơn nữa. Chất béo đã bị hydro hóa (chuyển hóa) là một trong những chất có hại và kinh khủng nhất bạn đưa vào cơ thể mình (27).

Cách tốt nhất để tránh các loại dầu làm từ hạt và chất béo chuyển hóa là tránh xa các thực phẩm chế biến. Thay vào đó hãy ăn các loại chất béo có lợi như bơ, dầu dừa, dầu ô liu.

Chỉ ăn thực phẩm “thật”

Khi chúng ta thay thế các thực phẩm thật, món ăn truyền thống như bơ, thịt và rau bằng các loại thực phẩm rác chế biến, chúng ta sẽ béo lên và mắc nhiều bệnh.

Thực phẩm “thật” là chìa khóa để có một sức khỏe tốt, còn thực phẩm chế biến thì không. Chấm hết.

Bắt đầu một chương trình giảm cân tùy chỉnh. Bữa Ăn Hoàn Hảo giúp bạn áp dụng những thói quen lành mạnh để bạn có thể giảm cân và duy trì nó. Chương trình của bạn được tùy chỉnh theo mục tiêu và nhu cầu thể chất của bạn. Chỉ cần làm bài đánh giá nhanh và bắt đầu ngay hôm nay. Nhấn đây để bắt đầu
Subscribe
Thông báo cho
guest
1 Comment
Mới nhất
Cũ nhất Được bầu nhiều nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Huế Nguyễn
Huế Nguyễn
3 Năm Cách đây

Tks bác sĩ. Bài viết cung cấp rất nhiều kiến thức hay và hữu ích ạ