Ngày càng có nhiều người tiêu thụ dầu cọ trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đó lại là một loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi.
Một mặt, nó cho thấy là đem lại một số lợi ích sức khỏe.
Mặt khác, nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Cũng có những mối quan ngại về môi trường liên quan đến việc gia tăng sản lượng đều đặn.
Bài viết này đưa ra cái nhìn chi tiết về dầu cọ và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe, môi trường và tính bền vững.
Dầu cọ là gì?
Dầu cọ được chiết xuất từ trái cây cọ dầu. Dầu cọ chưa tinh chế đôi khi được gọi là dầu cọ đỏ do có màu cam đỏ.
Nguồn chính của dầu cọ là cây Elaeis guineensis, có nguồn gốc ở Tây và Tây Nam châu Phi, đã được dùng trong khu vực này từ hơn 5,000 năm trước.
Một loại dầu cọ tương tự là Elais oleifera được tìm thấy ở Nam Mỹ, nhưng hiếm khi được trồng thương mại. Tuy nhiên, một giống lai tạo của hai loại cây này đôi khi được dùng để sản xuất dầu cọ.
Trong những năm gần đây, việc trồng cọ dầu đã mở rộng sang Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia và Indonesia. Hai nước này hiện sản xuất hơn 80% lượng dầu cọ cung cấp ra thế giới (1).
Giống như dầu dừa, dầu cọ ở dạng bán rắn ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, điểm tan chảy của nó là 95°F (35°C), cao hơn đáng kể so với dầu dừa 76°F (24°C). Đó là do các thành phần axit béo khác nhau của hai loại dầu.
Dầu cọ là một trong những loại dầu rẻ nhất và phổ biến nhất trên thế giới, chiếm 1/3 sản lượng dầu thực vật toàn cầu (1).
Điều quan trọng cần lưu ý là không nên nhầm lẫn giữa dầu trái cọ với dầu hạt cọ.
Trong khi cả hai đều bắt nguồn từ cùng một loài cây thì dầu hạt cọ được chiết xuất từ hạt. Nó đem lại các lợi ích sức khỏe khác hẳn.
Tóm tắt: Dầu cọ xuất phát từ cây cọ bản địa ở châu Phi, nơi nó đã được tiêu thụ suốt hàng ngàn năm qua. Nó ở dạng bán rắn ở nhiệt độ phòng và khác với dầu hạt cọ về thành phần dinh dưỡng.
Dầu cọ được dùng như thế nào?
Dầu cọ được dùng để nấu ăn và cũng được thêm vào nhiều thực phẩm ăn liền bán ở cửa hàng tạp hóa.
Hương vị của nó được coi là ngon và có mùi đất. Một số người mô tả hương vị của nó giống như cà rốt hoặc bí đỏ.
Dầu này là nguồn thực phẩm chủ yếu ở Tây Phi và có trong các món ăn nhiệt đới, đặc biệt phù hợp cho cà ri và các món ăn cay khác.
Nó thường được dùng để xào hoặc chiên vì có điểm khói cao 450°F (232°C) và vẫn ổn định ở nhiệt cao (2).
Dầu cọ đôi khi được thêm vào bơ đậu phộng và các loại bơ quả hạch khác như là một chất ổn định để ngăn dầu tách ra và nổi lên trên mặt.
Ngoài các loại bơ quả hạch, dầu cọ có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác, bao gồm:
- Ngũ cốc
- Thực phẩm nướng như bánh mì, bánh quy và bánh muffin
- Thanh protein và thanh ăn kiêng
- Sô cô la
- Kem pha cà phê
- Bơ thực vật
Trong những năm 1980, dầu cọ đã được thay thế bằng chất béo chuyển hóa trong nhiều sản phẩm do quan ngại việc tiêu thụ dầu nhiệt đới có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, sau khi các nghiên cứu tiết lộ nguy cơ sức khỏe của chất béo chuyển hóa, các nhà sản xuất thực phẩm lại tiếp tục dùng dầu cọ.
Dầu này cũng được tìm thấy trong nhiều sản phẩm phi thực phẩm, chẳng hạn như kem đánh răng, xà phòng và mỹ phẩm.
Thêm vào đó, nó có thể được dùng để sản xuất nhiên liệu diesel sinh học, được dùng như là nguồn năng lượng thay thế (3).
Tóm tắt: Dầu cọ được dùng trong nấu ăn, đặc biệt là các món ăn Tây Phi và món cà ri. Nó cũng được tìm thấy trong một số thực phẩm, sản phẩm và nhiên liệu nhất định.
Thành phần dinh dưỡng
Đây là hàm lượng dinh dưỡng của một muỗng canh (14 gram) dầu cọ (4):
- Calo: 114
- Chất béo: 14 gram
- Chất béo bão hòa: 7 gram
- Chất béo không bão hòa đơn: 5 gram
- Chất béo không bão hòa đa: 5 gram
- Vitamin E: 11% RDI.
Toàn bộ calo của dầu cọ đều đến từ chất béo. Thành phần chất béo gồm 50% axit béo bão hòa, 40% axit béo không bão hòa đơn và 10% axit béo không bão hòa đa.
Loại chất béo bão hòa chính tìm thấy trong dầu cọ là axit palmitic, đóng góp 44% lượng calo. Nó cũng chứa một lượng lớn axit oleic và một lượng nhỏ axit linoleic và axit stearic.
Chất màu đỏ cam của dầu cọ đỏ xuất phát từ các chất chống oxy hóa gọi là carotenoid, bao gồm beta-carotene mà cơ thể bạn có thể chuyển đổi thành vitamin A.
Trong dầu cọ đã tách chiết, phần chất lỏng được loại bỏ bằng quá trình tinh thể hóa và lọc. Phần rắn còn lại nhiều chất béo bão hòa hơn và có nhiệt độ tan chảy cao hơn (5).
Tóm tắt: Dầu cọ là chất béo 100%, trong đó một nửa là bão hòa. Nó cũng chứa vitamin E, và dầu cọ đỏ có chứa chất chống oxy hóa gọi là carotenoid mà cơ thể bạn có thể chuyển đổi thành vitamin A.
Nó có thể có lợi cho sức khỏe
Dầu cọ có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm bảo vệ chức năng não, giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim và cải thiện tình trạng vitamin A.
Sức khỏe não
Dầu cọ là một nguồn tocotrienol tuyệt vời, một dạng vitamin E có tính chất chống oxy hóa mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe của não.
Các nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy tocotrienol trong dầu cọ có thể giúp bảo vệ các chất béo không bão hòa đa mỏng manh trong não, làm chậm tiến trình mất trí nhớ, giảm nguy cơ đột quỵ và và ngăn ngừa sự phát triển tổn thương não (6, 7, 8, 9, 10).
Trong một nghiên cứu kéo dài hai năm ở 121 người bị tổn thương não, nhóm dùng tocotrienol dẫn xuất từ dầu cọ hai lần một ngày vẫn ổn định, trong khi nhóm người dùng giả dược bị tăng thương tổn (10).
Sức khỏe tim mạch
Dầu cọ được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim.
Mặc dù một số kết quả nghiên cứu không nhất quán nhưng dầu này thường có tác dụng có lợi đối với yếu tố nguy cơ bệnh tim, bao gồm giảm cholesterol LDL xấu và tăng cholesterol HDL “tốt” (11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18).
Một phân tích lớn ở 51 nghiên cứu cho thấy nồng độ cholesterol toàn phần và LDL thấp hơn ở những người theo chế độ ăn giàu dầu cọ so với những người ăn nhiều chất béo chuyển hóa hoặc axit myristic và lauric (11).
Một nghiên cứu kéo dài trong 3 tháng gần đây đã xem xét tác động hạ cholesterol của dầu cọ được tạo ra từ một giống lai gữa cây Elaeis guineensis và Elaeis oleifera.
Trong nghiên cứu này, người ta dùng 25ml (2 muỗng canh) dầu ô liu hoặc dầu cọ lai hàng ngày. Dựa trên mức giảm cholesterol LDL 15% ở cả hai nhóm, các nhà nghiên cứu gợi ý dầu cọ này có thể được gọi là “dầu ô liu nhiệt đới” (12).
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tăng hoặc giảm riêng mức cholesterol LDL không thể dự đoán nguy cơ bệnh tim, mà có nhiều yếu tố khác liên quan.
Tuy nhiên, một nghiên cứu có kiểm soát năm 1995 cho thấy dầu cọ có thể giúp làm bệnh tiến triển chậm ở người bị bệnh tim.
Trong nghiên cứu kéo dài 18 tháng này, bảy trong số 25 người được điều trị với dầu cho thấy có cải thiện và 16 người vẫn ổn định. Ngược lại, bệnh tình của 10 trong số 25 người trong nhóm dùng giả dược vẫn tiến triển và không có chút cải thiện nào (18).
Cải thiện tình trạng vitamin A
Dầu cọ có thể giúp cải thiện tình trạng vitamin A ở những người thiếu hụt hoặc có nguy cơ bị thiếu hụt.
Nghiên cứu đối với phụ nữ mang thai ở các nước đang phát triển đã chỉ ra rằng tiêu thụ dầu cọ đỏ làm tăng hàm lượng vitamin A trong máu, cũng như ở trẻ bú sữa mẹ (19, 20, 21).
Một nghiên cứu cho thấy những người bị xơ nang gặp khó khăn trong việc hấp thu các vitamin tan trong chất béo đã tăng lượng vitamin A trong máu sau khi uống 2-3 đến ba muỗng canh dầu cọ đỏ mỗi ngày trong tám tuần (22).
Dầu cọ đỏ cũng đã được chứng minh là giúp tăng cường mức vitamin A ở người lớn và trẻ nhỏ (23, 24).
Trên thực tế, một nghiên cứu ở Ấn Độ cho biết trẻ ở độ tuổi mầm non dùng 5 ml (1 muỗng cà phê) mỗi ngày đã tăng lượng vitamin A nhiều hơn trẻ em dùng chất bổ sung vitamin A (24).
Tóm tắt: Dầu cọ có thể giúp bảo vệ chức năng não, giảm các yếu tố nguy cơ bệnh tim và tăng lượng vitamin A ở một số nhóm người nhất định.
Các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn
Mặc dù hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy dầu cọ có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, nhưng các nghiên cứu khác lại báo cáo kết quả mâu thuẫn nhau (25, 26, 27, 28, 29).
Một nghiên cứu được thực hiện ở những phụ nữ có cholesterol cao.
Nó cho thấy nồng độ LDL hạt nhỏ và dày đặc (sdLDL) – loại cholesterol liên quan đến bệnh tim – tăng với dầu cọ nhưng giảm với các loại dầu khác. Tuy nhiên, kết hợp dầu cọ và dầu cám gạo lại làm giảm nồng độ sdLDL (25).
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng sdLDL không thay đổi trong nhóm tiêu thụ dầu cọ, trong khi các hạt LDL lớn lại tăng lên. Các hạt LDL lớn được coi là ít gây ra các cơn đau tim hơn các hạt nhỏ LDL (26).
Các nghiên cứu khác đã báo cáo cholesterol LDL tăng lên để phản ứng với việc dùng dầu cọ. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu này đã không đo kích thước hạt LDL (27, 28, 29).
Điều quan trọng cần lưu ý là đây chỉ là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn và không phải bằng chứng để chỉ ra dầu cọ có thể gây ra bệnh tim.
Tuy nhiên, một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc tiêu thụ dầu đã đun nóng nhiều lần có thể gây ra các mảng bám trong các động mạch do hoạt động chống oxy hóa của dầu.
Khi chuột ăn thực phẩm có chứa dầu cọ đã được nấu đi nấu lại 10 lần, chúng phát triển những mảng lớn và các dấu hiệu khác của bệnh tim trong 6 tháng, trong khi chuột được ăn dầu cọ tươi thì không (30).
Tóm tắt: Dầu cọ có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ bệnh tim ở một số người. Lặp lại quá trình hâm nóng dầu có thể làm giảm khả năng chống oxy hóa và góp phần vào sự phát triển bệnh tim.
Những tranh cãi về dầu cọ
Có một số vấn đề đạo đức liên quan đến tác động của sản xuất dầu cọ đối với môi trường, động vật hoang dã và cộng đồng.
Trong những thập kỷ qua, nhu cầu ngày càng tăng đã dẫn tới việc mở rộng sản xuất dầu cọ chưa từng có ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Những nước này có khí hậu ẩm nhiệt đới lý tưởng cho việc trồng cây cọ dầu.
Tuy nhiên, để phục vụ cho trồng rừng cọ dầu, rừng nhiệt đới và đất than bùn đang bị phá hủy.
Một phân tích gần đây cho thấy 45% đất ở Đông Nam Á hiện đang dùng cho sản xuất dầu cọ từng là rừng vào năm 1990, bao gồm hơn một nửa số đồn điền dầu cọ ở Indonesia và Malaysia (1).
Nạn phá rừng được dự đoán sẽ có những ảnh hưởng tàn phá lên tình trạng nóng lên toàn cầu vì rừng đóng một vai trò quyết định trong việc giảm khí nhà kính bằng cách hấp thụ carbon từ khí quyển.
Ngoài ra, việc phá hủy cảnh quan thiên nhiên gây ra những thay đổi trong hệ sinh thái đe dọa đến sức khỏe và tính đa dạng của đời sống hoang dã.
Điều quan tâm đặc biệt là ảnh hưởng đến các loài nguy cấp như tinh tinh, đang phải đối mặt với sự tuyệt chủng do mất môi trường sống (31).
Cũng có báo cáo về vi phạm nhân quyền của các công ty sản xuất dầu cọ, chẳng hạn như thanh lý đất nông nghiệp và rừng trái phép, trả lương thấp, điều kiện làm việc không an toàn và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống (32).
Thật may mắn khi các chuyên gia nói rằng có nhiều phương pháp mang tính đạo đức và bền vững hơn.
Ví dụ, một phân tích năm 2015 cho thấy việc hạn chế việc mở rộng các đồn điền dầu cọ mới ở các khu vực không phải rừng và chỉ trồng ở các khu vực có trữ lượng các-bon thấp có thể làm giảm lượng phát thải khí nhà kính lên đến 60% (32).
Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ Bền vững (RSPO) là một tổ chức cam kết làm cho việc sản xuất dầu thân thiện với môi trường, phù hợp với văn hóa và bền vững nhất có thể.
Họ chỉ trao chứng nhận RSPO cho nhà sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn của họ bằng cách làm theo các nguyên tắc nhất định, bao gồm:
- Không xóa sổ rừng hoặc các khu vực có các loài nguy cấp, hệ sinh thái cần bảo vệ hoặc các khu vực quan trọng để đáp ứng các nhu cầu mang tính cộng đồng căn bản hoặc truyền thống.
- Giảm mạnh việc dùng thuốc trừ sâu và lửa.
- Đối xử công bằng đối với người lao động theo tiêu chuẩn quyền lao động trong nước và quốc tế.
- Thông tin và tư vấn với cộng đồng địa phương trước khi phát triển các đồn điền cọ dầu mới trên đất của họ.
Tóm tắt: Việc thay thế rừng nhiệt đới và đất than bùn bằng dầu cọ đã gây thiệt hại cho môi trường, động vật hoang dã và chất lượng cuộc sống của người dân.
Thông điệp chính
Dầu cọ là một trong những loại dầu được dùng rộng rãi nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc sản xuất đến môi trường, sức khỏe động vật hoang dã và cuộc sống của người dân bản địa đang được quan tâm sâu sắc.
Nếu bạn muốn dùng dầu cọ, hãy mua các nhãn hiệu có chứng nhận về mặt đạo đức RSPO.
Ngoài ra, vì bạn có thể có được các lợi ích sức khỏe tương tự từ các loại dầu và thực phẩm khác, tốt nhất bạn nên dùng các nguồn chất béo khác cho hầu hết các nhu cầu hàng ngày của bạn.