BPA là một hóa chất công nghiệp có thể lẫn vào thực phẩm của chúng ta.
Một số chuyên gia cho rằng đây là một hóa chất độc hại, và khuyên mọi người nên nỗ lực tránh nó.
Nhưng BPA có thực sự xấu hay không và bạn có nên tránh nó bằng mọi giá?
Đây là một bài đánh giá chi tiết về BPA và những ảnh hưởng sức khỏe của nó.
BPA là gì?
BPA (bisphenol-A) là một hóa chất được thêm vào nhiều sản phẩm thương mại, bao gồm đồ đựng thức ăn và các sản phẩm vệ sinh.
Nó được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1890, nhưng vào những năm 1950 các nhà hóa học đã nhận ra rằng nó có thể được trộn lẫn với các hợp chất khác để sản xuất nhựa polycarbonate bền và cứng.
Ngày nay, chất dẻo chứa BPA thường được dùng làm hộp đựng thức ăn, bình uống cho em bé và những thứ khác.
BPA cũng được dùng để làm nhựa dính, được đặt lên lớp lót bên trong hộp đựng thực phẩm đóng hộp để giữ kim loại khỏi bị ăn mòn và phá vỡ.
Điểm then chốt: BPA là một hợp chất tổng hợp được tìm thấy trong nhiều chất dẻo, cũng như trong tấm lót hộp đựng thực phẩm đóng hộp.
Sản phẩm nào chứa BPA nhiều nhất?
Các sản phẩm thông thường có thể chứa BPA bao gồm:
- Các món đồ đóng gói trong hộp nhựa.
- Thực phẩm đóng hộp.
- Dụng cụ vệ sinh.
- Sản phẩm vệ sinh cho nữ.
- Biên nhận từ máy in nhiệt.
- Đĩa CD và DVD.
- Điện tử gia dụng.
- Thấu kính mắt.
- Thiết bị thể thao.
- Chất làm kín trong nha khoa.
Cần lưu ý rằng nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang các sản phẩm không chứa BPA, trong đó BPA đã được thay thế bằng bisphenol-S (BPS) hoặc bisphenol-F (BPF).
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả nồng độ nhỏ BPS và BPF cũng có thể phá vỡ chức năng tế bào của bạn theo cách tương tự như BPA. Do đó, chai nhựa không chứa BPA có thể không phải là cách giải quyết (1).
Các mặt hàng bằng nhựa có ghi số tái chế số 3 và 7 hoặc chữ “PC” có thể chứa BPA, BPS hoặc BPF.
Điểm then chốt: BPA và các lựa chọn thay thế của nó – BPS và BPF – có thể được tìm thấy trong nhiều sản phẩm thông dụng, thường được gắn nhãn với mã tái chế 3, 7 hoặc chữ “PC”.
BPA đi vào cơ thể như thế nào?
Nguồn tiếp xúc chính của BPA là qua chế độ ăn uống (2).
Đó là vì khi sản xuất hộp chứa BPA, không phải toàn bộ BPA đều nằm sâu trong sản phẩm. Điều này cho phép một phần của nó thoát ra và lẫn vào đồ chứa trong hộp khi thức ăn hoặc chất lỏng được thêm vào (3, 4).
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ BPA trong nước tiểu giảm 66% sau 3 ngày tránh ăn thức ăn đóng gói (5).
Một nghiên cứu khác cho thấy những người tham gia ăn một lần ăn súp tươi hoặc đóng hộp hàng ngày trong 5 ngày. Nồng độ BPA trong nước tiểu cao hơn 1,221% ở những người ăn súp đóng hộp (6).
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo rằng mức BPA ở trẻ bú sữa mẹ thấp hơn 8 lần so với trẻ được cho ăn sữa bột có chứa BPA (7).
Điểm then chốt: Chế độ ăn là nguồn BPA lớn nhất đối với con người, đặc biệt là thực phẩm đóng gói. Trẻ bú sữa bột từ bình chứa BPA cũng có hàm lượng chất này cao trong cơ thể.
BPA có hại hay không?
Nhiều chuyên gia cho rằng BPA có hại, nhưng những người khác lại không đồng ý.
Phần này giải thích hoạt động của BPA trong cơ thể, và vì sao những ảnh hưởng sức khỏe của nó vẫn còn gây tranh cãi.
Cơ chế sinh học của BPA
BPA được cho là mô phỏng cấu trúc và chức năng của hoóc-môn estrogen (2).
Do cấu trúc như estrogen, BPA có thể liên kết với thụ thể estrogen và ảnh hưởng đến các quá trình của cơ thể, chẳng hạn như tăng trưởng, sửa chữa tế bào, phát triển bào thai, mức năng lượng và sinh sản.
Ngoài ra, BPA cũng có thể có khả năng tương tác với các thụ thể hoóc-môn khác, như các thụ thể hoóc-môn tuyến giáp, do đó thay đổi chức năng của chúng (8).
Cơ thể nhạy cảm với sự thay đổi mức độ hoóc-môn, đó là lý do vì sao khả năng mô phỏng estrogen của BPA được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Tranh cãi về BPA
Với những thông tin trên, nhiều người tự hỏi liệu có nên cấm BPA hay không.
Việc dùng nó đã bị hạn chế ở EU, Canada, Trung Quốc và Malaysia, đặc biệt là trong các sản phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một số tiểu bang Hoa Kỳ đã tuân thủ, nhưng không có quy định liên bang nào được đưa ra.
Vào năm 2014, FDA đã công bố bản báo cáo mới nhất, xác nhận giới hạn tiếp xúc ban đầu vào năm 1980 là 50 mcg/kg (khoảng 23 mcg/lb) hàng ngày và kết luận rằng BPA có thể an toàn ở mức hiện tại được cho phép (9).
Tuy nhiên, nghiên cứu ở loài gặm nhấm cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực của BPA ở mức thấp hơn nhiều, chỉ còn 10 mcg/kg mỗi ngày. Ngoài ra, nghiên cứu trên khỉ cho thấy mức độ tương đương với mức hiện đo được ở người có ảnh hưởng tiêu cực đến sinh sản (10, 11).
Một đánh giá từ năm 2006 có thể giúp giải thích sự khác biệt. Nó tiết lộ rằng tất cả các nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ không tìm thấy ảnh hưởng của phơi nhiễm BPA, trong khi 92% các nghiên cứu không được tài trợ bởi ngành công nghiệp cho thấy những tác động tiêu cực đáng kể (12).
Điểm then chốt: BPA có cấu trúc tương tự như hoóc-môn estrogen. Nó có thể liên kết với thụ thể estrogen và ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể.
BPA có thể gây vô sinh ở nam giới và phụ nữ
BPA có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh của khả năng sinh sản.
Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ bị sẩy thai thường xuyên có BPA cao gấp khoảng 3 lần trong máu so với phụ nữ mang thai thành công (13).
Hơn nữa, các nghiên cứu về phụ nữ điều trị sinh sản cho thấy những người có mức BPA cao hơn thì mức sản xuất trứng thấp hơn và ít có khả năng có thai hơn 2 lần (14, 15).
Trong số các cặp trải qua thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), những người đàn ông có mức BPA cao nhất có khả năng sản sinh phôi có chất lượng thấp hơn 30-46% (16).
Một nghiên cứu riêng thấy rằng những người đàn ông có mức BPA cao hơn gấp 3-4 lần thì nhiều khả năng có nồng độ tinh trùng thấp và số tinh trùng thấp (17).
Thêm vào đó, nam giới làm việc trong các công ty sản xuất BPA ở Trung Quốc cho biết có độ cương dương khó gấp 4.5 lần và không hài lòng về đời sống tình dục so với nam giới khác (18).
Tuy nhiên, dù các hiệu ứng trên là đáng chú ý, một số đánh giá gần đây đồng ý rằng cần nhiều nghiên cứu để tăng cường chứng cứ (8, 19, 20, 21).
Điểm then chốt: Một số nghiên cứu cho thấy rằng BPA có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh của cả khả năng sinh sản của nam và nữ.
Tác động tiêu cực của BPA đối với trẻ sơ sinh
Hầu hết các nghiên cứu – nhưng không phải tất cả – đã quan sát thấy rằng trẻ sinh ra từ các bà mẹ tiếp xúc với BPA tại nơi làm việc có cân nặng ít hơn 0.5 lb (hoặc 0.2 kg) so với con của các bà mẹ không bị phơi nhiễm (22, 23, 24).
Trẻ em sinh ra từ các bố mẹ tiếp xúc với BPA cũng có khuynh hướng có khoảng cách giữa các bộ phận sinh dục ngắn hơn, điểm này còn chỉ ra các tác dụng kích thích tố BPA trong quá trình phát triển (25).
Ngoài ra, trẻ em sinh ra từ các bà mẹ có mức BPA cao hơn còn hiếu động, dễ lo lắng và chán nản hơn. Họ cũng cho thấy khả năng phản ứng xúc cảm gấp 1.5 lần và kích động mạnh hơn 1.1 lần (26, 27, 28).
Cuối cùng, phơi nhiễm BPA trong thời kỳ sơ khai cũng được cho là ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến tiền liệt và tăng nguy cơ ung thư vú.
Tuy nhiên, trong khi có rất nhiều nghiên cứu trên động vật để hỗ trợ cho nghiên cứu này, các nghiên cứu ở con người vẫn ít thuyết phục hơn (29, 30, 31, 32, 33, 34).
Điểm then chốt: Phơi nhiễm BPA ngay từ đầu đời có thể ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh, phát triển hoóc-môn, hành vi và nguy cơ ung thư trong cuộc sống sau này.
Phơi nhiễm BPA có liên quan đến bệnh tim và bệnh tiểu đường tuýp 2
Các nghiên cứu ở người đã kiểm tra mối liên hệ giữa nồng độ BPA và huyết áp.
Báo cáo cho thấy rằng nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 27-135% ở những người có mức BPA cao (35, 36).
Hơn nữa, một cuộc khảo sát 1,455 người Mỹ chỉ ra mối liên quan giữa mức BPA cao hơn với nguy cơ mắc bệnh tim tăng 18-63% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 21-60% (37).
Trong một nghiên cứu sau đó, nồng độ BPA cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 68-130% (38).
Cuối cùng, những người có mức BPA cao nhất có khả năng bị kháng insulin cao hơn 37%, đây một nhân tố gây ra hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường tuýp 2 (39).
Tuy nhiên, một số nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa BPA và những bệnh này (40, 41, 42).
Điểm then chốt: Mức BPA cao hơn dường như có liên quan đến nguy cơ tăng tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp và bệnh tim.
BPA có thể làm tăng nguy cơ béo phì
Phụ nữ béo phì được nhận thấy có mức BPA cao hơn 47% so với người bình thường (43).
Một số nghiên cứu cũng báo cáo những người có mức BPA cao nhất có thể có 50-85% khả năng dễ bị béo phì hơn và 59% có thể có vòng eo lớn. Dù vậy, không phải tất cả các nghiên cứu đều xác nhận những kết quả này (37, 39, 44, 45, 46, 47).
Điều thú vị là, các cách thức tương tự đã được quan sát ở trẻ em và thanh thiếu niên (48, 49).
Tuy nhiên, dù phơi nhiễm BPA trước khi sinh liên quan đến sự gia tăng trọng lượng ở mẫu động vật, nhưng điều này vẫn chưa được khẳng định ở người (50, 51).
Điểm then chốt: Phơi nhiễm BPA có liên quan đến tăng nguy cơ béo phì và tăng chu vi vòng eo. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh điều đó.
BPA có thể là nguyên nhân các vấn đề sức khỏe khác
Phơi nhiễm BPA cũng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe sau:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): nồng độ BPA ở phụ nữ bị PCOS cao hơn 46% so với những người khỏe mạnh (47).
- Sinh non: Phụ nữ có nồng độ BPA cao hơn trong thai kỳ có 91% khả năng sinh con trước 37 tuần (52).
- Hen suyễn: Tiếp xúc với BPA trước khi sinh nhiều hơn, đặc biệt là ở tuần 16, có liên quan đến nguy cơ thở khò khè ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi hơn 130%. Trẻ nhỏ tiếp xúc với BPA cũng liên quan đến chứng thở khò khè trong thời thơ ấu (53, 54).
- Chức năng gan: Mức BPA cao hơn có liên quan đến nguy cơ bị mức men gan bất thường cao hơn đến 29% (37).
- Chức năng miễn dịch: Mức BPA cao có thể liên quan đến chức năng miễn dịch kém (55).
- Chức năng tuyến giáp: Mức BPA cao hơn có liên quan đến mức hoóc-môn tuyến giáp bất thường, cho thấy chức năng tuyến giáp suy giảm (56, 57, 58).
- Chức năng não: Khỉ xanh châu Phi tiếp xúc với mức BPA được EPA đánh giá là an toàn cho thấy sự mất kết nối giữa các tế bào não (59).
Điểm then chốt: Phơi nhiễm BPA cũng có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác. Cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định những phát hiện này.
Làm thế nào để giảm thiểu phơi nhiễm với BPA
Chắc hẳn bạn muốn tránh BPA do đã biết tới những tác động tiêu cực trong rất nhiều nghiên cứu.
Dù tránh BPA hoàn toàn có thể là điều không thể, nhưng vẫn có một số cách để thoát khỏi việc tiếp xúc trong đa số trường hợp.
Đây là một số cách hiệu quả để giảm thiểu phơi nhiễm với BPA:
- Tránh các thực phẩm đóng gói: Ăn nhiều thực phẩm tươi sống. Tránh xa thực phẩm đóng hộp hoặc đóng gói trong hộp nhựa có nhãn số tái chế số 3, 7 hoặc chữ “PC”.
- Uống từ chai thuỷ tinh: Mua các thức uống có trong chai thủy tinh thay vì chai nhựa hoặc lon, và dùng bình sữa thủy tinh cho trẻ em thay vì bình bằng nhựa.
- Tránh xa các sản phẩm BPA: càng nhiều càng tốt, hãy tránh không tiếp xúc với các loại biên nhận.
- Chọn lọc đồ chơi: Đảm bảo rằng đồ chơi bằng nhựa bạn mua cho con được làm từ vật liệu không chứa BPA, đặc biệt là đồ chơi mà trẻ nhỏ có thể nhai hoặc bú.
- Không bỏ đồ nhựa vào lò vi sóng: Nấu bằng lò vi sóng và cất thực phẩm trong đồ thủy tinh chứ không phải đồ nhựa.
- Mua sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh: Một số người khuyên dùng bột thay cho chất lỏng từ hộp chứa BPA vì chất lỏng có khả năng hấp thụ nhiều BPA hơn từ bình chứa.
Điểm then chốt: Có một số cách đơn giản để làm giảm đáng kể phơi nhiễm BPA từ chế độ ăn kiêng và môi trường.
Bạn có nên lo lắng về BPA?
Bằng cách xem các bằng chứng, dần dần hạn chế tiếp xúc với BPA hẳn sẽ là một ý tưởng hay.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai có thể có lợi khi nỗ lực tránh BPA càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Đối với những người khác, thỉnh thoảng mới uống từ chai nhựa “PC” hoặc ăn từ hộp có lẽ không phải là một lý do để cần phải hoảng sợ.
Cũng có lời khuyên rằng, đổi hộp nhựa bằng hộp không có BPA không tốn công mấy để loại bỏ một tác động tiềm ẩn lớn.
Thêm vào đó, khi nói đến chế độ ăn, các thực phẩm tươi nguyên chất có liên quan đến sức khỏe tối ưu hiếm khi được đóng gói trong hộp chứa BPA.