Probiotic là các vi sinh vật sống có thể được tiêu thụ thông qua thực phẩm lên men hoặc thực phẩm chức năng (1).
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự cân bằng hoặc mất cân bằng của vi khuẩn trong hệ tiêu hóa có thể gây ra vấn đề về sức khỏe và bệnh tật.
Probiotic tăng cường sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột và liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Những lợi ích này bao gồm giảm cân, hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và nhiều lợi ích khác (2, 3).
Đây là một bài viết tổng quan về những lợi ích chính của probiotic.
Nội Dung Chính
- 1. Probiotic giúp cân bằng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa
- 2. Probiotic có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy
- 3. Thực phẩm chức năng bổ sung probiotic giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
- 4. Các chủng probiotic nhất định có thể giúp tim hoạt động khỏe mạnh
- 5. Probiotic có thể làm giảm độ nghiêm trọng của một số bệnh dị ứng và chàm
- 6. Probiotic có thể giúp làm giảm triệu chứng của một số bệnh rối loạn tiêu hóa
- 7. Probiotic có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch
- 8. Probiotic có thể giúp giảm cân và mỡ bụng
- Cách tốt nhất để tiêu thụ probiotic một cách có lợi
1. Probiotic giúp cân bằng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa
Probiotic có chứa vi khuẩn “tốt.” Chúng là những vi sinh vật sống có thể có lợi cho sức khỏe khi ăn (1).
Những lợi ích này được cho là do khả năng phục hồi sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn đường ruột của probiotic (4).
Mất cân bằng nghĩa là có quá nhiều vi khuẩn có hại và không đủ vi khuẩn có lợi. Điều này có thể xảy ra do khi bị bệnh, uống thuốc kháng sinh, chế độ ăn uống kém và nhiều nguyên nhân khác.
Hậu quả có thể bao gồm những vấn đề về tiêu hóa, dị ứng, vấn đề về sức khỏe thần kinh, béo phì và nhiều bệnh khác (5).
Probiotic thường có trong thực phẩm lên men hoặc được dùng như thực phẩm chức năng. Hơn nữa, chúng dường như là an toàn với hầu hết mọi người.
Điểm then chốt: Probiotic là những vi sinh vật sống. Khi hấp thụ với lượng đủ thì chúng có thể giúp duy trì sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn đường ruột. Kết quả là sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
2. Probiotic có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy
Probiotic được biết đến rộng rãi do khả năng ngăn ngừa bệnh tiêu chảy hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của nó.
Tiêu chảy là một loại tác dụng phụ phổ biến khi dùng thuốc kháng sinh. Nó xảy ra do kháng sinh có thể có tác động bất lợi đến sự cân bằng của vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột (6).
Một vài nghiên cứu chỉ ra dùng probiotic có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (7, 8, 9).
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ăn thực phẩm chứa probiotic làm giảm mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến kháng sinh đến 42% (10).
Probiotic cũng có thể có lợi cho các dạng tiêu chảy khác không liên quan đến kháng sinh.
Một kết luận của 35 nghiên cứu cho thấy một số chủng probiotic có thể làm giảm thời gian tiêu chảy cấp tính trung bình 25 giờ (11).
Probiotic làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy khi đi du lịch xuống 8%. Chúng cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do các nguyên nhân khác 57% ở trẻ em và 26% ở người lớn (12).
Tác dụng sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại và liều lượng của loại probiotic (13).
Những chủng như Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus casei và men Saccharomyces boulardii thường liên quan đến giảm nguy cơ bị tiêu chảy (9, 12).
Điểm then chốt: Probiotic có thể làm giảm nguy cơ và độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau.
3. Thực phẩm chức năng bổ sung probiotic giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
Ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và tâm trạng cũng như sức khỏe tinh thần (14).
Các nghiên cứu ở cả động vật và người đều chỉ ra rằng thực phẩm chức năng bổ sung probiotic có thể cải thiện nhiều bệnh rối loạn thần kinh (15).
Một kết luận của 15 nghiên cứu trên người cho thấy bổ sung các chủng Bifidobacterium và Lactobacillus trong vòng 1-2 tháng có thể cải thiện lo lắng, trầm cảm, chứng tự kỷ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và trí nhớ (15).
Một nghiên cứu theo dõi 70 công nhân làm việc trong nhà máy hóa học trong 6 tuần. Họ là những người tiêu thụ 100 gram sữa chua có chứa probiotic mỗi ngày hoặc dùng viên nang probiotic mỗi ngày có những lợi ích cho sức khỏe về mặt tổng thể cũng như giảm chứng trầm cảm, lo lắng, căng thẳng (16).
Những lợi ích cũng được chỉ ra trong một nghiên cứu ở 40 bệnh nhân bị trầm cảm.
Dùng thực phẩm chức năng bổ sung probiotic trong 8 tuần làm giảm mức độ trầm cảm và giảm nồng độ của protein phản ứng C (một chất gây viêm nhiễm) và hoóc-môn như insulin, so với những người không dùng probiotic (17).
Điểm then chốt: Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng dùng probiotic có thể giúp cải thiện các triệu chứng về rối loạn sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và trí nhớ trong số những tác động khác.
4. Các chủng probiotic nhất định có thể giúp tim hoạt động khỏe mạnh
Probiotic có thể khiến tim hoạt động khỏe mạnh bằng cách giảm lượng cholesterol LDL (có hại) và huyết áp.
Một loại vi khuẩn sản xuất ra axit lactic nhất định có thể làm giảm lượng cholesterol bằng cách phân giải mật trong ruột (18).
Mật, một chất lỏng tự nhiên làm từ cholesterol, giúp tiêu hóa tốt.
Bằng cách phân giải mật, probiotic có thể ngăn ngừa chúng bị tái hấp thụ trong ruột, nơi chúng có thể xâm nhập và máu như cholesterol (19).
Một kết luận của 5 nghiên cứu cho thấy ăn sữa chua có chứa probiotic trong 2-8 tuần làm giảm tổng lượng cholesterol xuống 4% và cholesterol LDL xuống 5% (20).
Một nghiên cứu khác diễn ra hơn 6 tháng cho thấy không có sự thay đổi nào trong tổng lượng cholesterol hay cholesterol LDL. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng tìm ra cholesterol HDL (có lợi) có sự tăng nhẹ (21).
Tiêu thụ probiotic cũng có thể làm giảm huyết áp. Một kết luận của 9 nghiên cứu cho thấy thực phẩm chức năng bổ sung probiotic làm giảm huyết áp nhưng chỉ ở mức trung bình (22).
Để có thể có được bất kì lợi ích nào liên quan đến huyết áp thì việc bổ sung phải trên 8 tuần và trên 10 triệu đơn vị khuẩn lạc (CFU) hàng ngày (22).
Điểm then chốt: Probiotic có thể giúp bảo vệ tim mạch bằng cách làm giảm lượng cholesterol có hại LDL và làm giảm huyết áp ở mức vừa phải.
5. Probiotic có thể làm giảm độ nghiêm trọng của một số bệnh dị ứng và chàm
Một số chủng probiotic nhất định có thể làm giảm độ nghiêm trọng của bệnh chàm ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng triệu chứng của bệnh chàm được cải thiện ở trẻ sơ sinh được cho ăn sữa bổ sung probiotic, so với trẻ sơ sinh được cho ăn với sữa không có probiotic (23).
Một nghiên cứu theo dõi trẻ em của những phụ nữ dùng probiotic trong quá trình mang thai. Những trẻ em này có nguy cơ mắc bệnh chàm thấp hơn 83% trong 2 năm đầu đời (24).
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa probiotic và giảm độ nghiêm trọng của bệnh chàm vẫn còn ít và cần có nhiều nghiên cứu hơn (25, 26).
Một số loại probiotic cũng có thể làm giảm phản ứng viêm nhiễm ở những người bị dị ứng với sữa và bơ sữa. Tuy nhiên, bằng chứng vẫn chưa xác thực và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa (27).
Điểm then chốt: Probiotic có thể làm giảm nguy cơ và độ nghiêm trọng của một số loại dị ứng nhất định như chàm ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên còn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.
6. Probiotic có thể giúp làm giảm triệu chứng của một số bệnh rối loạn tiêu hóa
Hơn một triệu người ở Mỹ bị viêm ruột, bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh viêm mãn tính ở ruột Crohn (28).
Một số loại probiotic nhất định từ chủng Bifidobacterium và Lactobacillus cải thiện triệu chứng ở những người bị viêm loét đại tràng mức độ nhẹ (29).
Điều bất ngờ là một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung probiotic gây bệnh đường ruột E. coli Nissle có hiệu quả như thuốc duy trì sự thuyên giảm ở những người bị viêm loét đại tràng (30).
Tuy nhiên, probiotic dường như có ít hiệu quả với các triệu chứng của bệnh Crohn (31).
Dù vậy, probiotic có thể có lợi với các bệnh bị rối loạn đường ruột khác. Nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng kích thích ruột (IBS) (32).
Chúng cũng được biết đến với tác dụng làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử nặng xuống 50%. Đây là một loại bệnh đường ruột gây chết người ở trẻ sơ sinh non tháng (33).
Điểm then chốt: Probiotic có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng rối loạn đường ruột như viêm loét đại tràng, IBS và viêm ruột hoại tử.
7. Probiotic có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch
Probiotic có thể giúp hệ miễn dịch của bạn được tăng cường và ức chế sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có hại (34).
Ngoài ra, một số loại probiotic được chứng minh là thúc đẩy sự sản xuất các kháng thể tự nhiên trong cơ thể. Chúng cũng có thể làm tăng các tế bào miễn dịch như các tế bào sản xuất IgA, các tế bào lympho T và các tế bào tiêu diệt tự nhiên (35, 36).
Một kết luận nhận thấy việc dùng probiotic làm giảm khả năng và thời gian nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, chất lượng của bằng chứng là thấp (37).
Một nghiên cứu khác gồm trên 570 trẻ em thấy rằng dùng Lactobacillus GG làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn hô hấp xuống 17% (38).
Các probiotic Lactobacillus crispatus cũng đã được cho là làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở phụ nữ 50% (39).
Điểm then chốt: Probiotic có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
8. Probiotic có thể giúp giảm cân và mỡ bụng
Probiotic có thể giúp giảm cân thông qua nhiều cơ chế khác nhau (40).
Ví dụ như một số loại probiotic ngăn ngừa sự hấp thụ của chất béo trong thức ăn ở ruột.
Chất béo sau đó được bài tiết qua phân thay vì tích trữ trong cơ thể (41, 42).
Probiotic cũng có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, đốt cháy nhiều calo hơn và tích tụ ít mỡ hơn. Điều này một phần là do tăng hàm lượng hoóc-môn nhất định như GLP-1 (43, 44).
Chúng cũng có thể giúp giảm cân trực tiếp. Trong một nghiên cứu, những người phụ nữ ăn kiêng tiêu thụ Lactobacillus rhamnosus trong 3 tháng giảm nhiều cân hơn 50% so với những người không ăn probiotic (45).
Một nghiên cứu khác ở 210 người cho thấy việc tiêu thụ dù chỉ một lượng nhỏ Lactobacillus gasseri trong 12 tuần làm giảm 8.5% mỡ bụng (46).
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các probiotic đều giúp giảm cân.
Đáng ngạc nhiên là, một số nghiên cứu cho thấy một số probiotic, chẳng hạn như Lactobacillus acidophilus, thậm chí có thể dẫn đến tăng cân (47).
Cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ mối quan hệ giữa probiotic và cân nặng (48).
Điểm then chốt: Một số loại probiotic nhất định có thể giúp giảm cân và giảm mỡ bụng. Tuy nhiên, những chủng khác lại làm tăng cân.
Cách tốt nhất để tiêu thụ probiotic một cách có lợi
Bạn có thể tiêu thụ probiotic từ nhiều nguồn thực phẩm và thực phẩm chức năng khác nhau.
Các chủng probiotic sống thường được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa lên men như sữa chua và thức uống từ sữa. Thực phẩm lên men như các loại rau muối, tempeh, tương miso, nấm sữa kefir, kim chi, dưa cải Đức, các sản phẩm từ đậu nành cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn axit lactic.
Bạn cũng có thể hấp thụ probiotic dạng viên nang, viên nén hay dạng bột có chứa vi khuẩn ở dạng khô.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng một số probiotic có thể bị phá hủy bởi axit trong dạ dày trước khi chúng đến được ruột – có nghĩa là bạn không có được những lợi ích mong muốn.
Nếu bạn muốn có được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào được thảo luận ở trên, điều quan trọng là bạn tiêu thụ đủ lượng.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy lợi ích đã dùng liều từ 1 tỷ đến 100 tỷ sinh vật sống hoặc các đơn vị khuẩn lạc (CFU) mỗi ngày.
Đọc thêm về probiotic: