Các nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng ngay đến lúa mì nguyên hạt cũng có thể góp phần gây ra một số vấn đề về sức khỏe.
Dưới đây là 6 vấn đề tiềm ẩn mà lúa mì nguyên hạt có thể gây ra.
1. Lúa mì chứa rất nhiều gluten
Gluten là protein chủ yếu có trong lúa mì và một số loại ngũ cốc khác như lúa mạch đen, lúa mì spenta và lúa mạch.
Cái tên gluten được bắt nguồn từ tính chất keo (glue) của nó.
Protein này làm cho bột bánh có tính đàn hồi và mềm dẻo. Nếu bạn đã từng nhào bột bánh thì bạn sẽ hiểu những gì tôi đang nói.
Ngày nay có một vấn đề với việc tiêu thụ lúa mì đó là nhiều người không thể tiêu hóa chất gluten có trong loại thực phẩm này.
Hệ miễn dịch “bắt gặp” các protein gluten trong đường tiêu hóa và nghĩ rằng chất này là những kẻ xâm nhập và sẽ tấn công… không chỉ gluten, mà còn cả bản thân đường tiêu hóa.
Đây là dấu hiệu của bệnh celiac, một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến 1% dân số thế giới (1, 2).
Tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy những người có thể “mẫn cảm” với gluten chiếm tỉ lệ phần trăm lớn hơn nhiều. Những người này không mắc bệnh celiac nặng, nhưng họ sẽ gặp một số triệu chứng khi ăn gluten (3, 4, 5).
Những nghiên cứu trên người không mắc bệnh celiac cho thấy gluten có thể làm hư tổn lớp niêm mạc ruột và gây ra các triệu chứng như đau đớn, thiếu máu, đầy bụng, phân không đều, mệt mỏi (6, 7, 8, 9).
Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy gluten có thể làm cho lớp lót trong của ruột trở nên dễ thẩm thấu, từ đó làm cho các chất tiêu hóa bị “rò rỉ” một phần từ đường tiêu hóa vào trong máu (10).
Tất nhiên, không phải ai cũng mẫn cảm với lúa mì. Một số người còn có thể dung nạp thực phẩm này một cách rất bình thường.
Kết luận: Có bằng chứng cho thấy rằng số người có thể “mẫn cảm” với gluten chiếm một tỉ lệ đáng kể. Mẫn cảm với gluten có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
2. Lúa mì làm lượng đường trong máu tăng đột biến
Các sản phẩm ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng được cơ thể tiêu hóa rất nhanh, dẫn đến làm lượng đường huyết tăng đột biến.
Tiếp theo đó là tình trạng hạ đường huyết đột biến kích thích cảm giác đói và khiến bạn ăn rất nhiều carb.
Hiện tượng này thường được gọi là “tàu lượn đường huyết.”
Tuy nhiên, các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ hơn được cho là có thể khiến cho đường huyết tăng chậm hơn.
Vấn đề ở đây là ngũ cốc nguyên hạt không phải lúc nào cũng ở dạng nguyên hạt. Thông thường, chúng đã được nghiền thành bột mịn, do đó dễ được tiêu hóa nhanh hơn, khiến cho lượng đường huyết tăng đột biến.
Chỉ số đường huyết là một dấu hiệu cho thấy mức độ làm tăng đường huyết của thức ăn. Bánh mì làm từ lúa mì có chỉ số đường huyết trung bình là 71, bằng với bánh mì trắng (11).
Chế độ ăn bao gồm nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể dẫn đến bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch và thậm chí là ung thư (12, 13, 14).
Lượng đường huyết cao cũng gây ra các biến chứng khi glucose phản ứng với protein trong cơ thể. Tình trạng này được gọi là glycation và đây là một phần của quá trình lão hóa (15).
Kết luận: Hầu hết các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt đã được nghiền thành bột mịn, khiến cho chúng có xu hướng làm lượng đường huyết tăng đột biến và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe trong tương lai.
3. Lúa mì chứa các chất có thể “đánh cắp” chất dinh dưỡng từ cơ thể
Lúa mì không phải là thực phẩm quá bổ dưỡng khi so với các loại thực phẩm khác như động vật và rau củ.
Thực phẩm này chứa các chất có thể “đánh cắp” chất dinh dưỡng từ những thực phẩm khác.
- Trong lúa mì có một chất gọi là axit phytic có thể kết hợp các khoáng chất như canxi, kẽm, sắt và magie, làm cho các chất này không bị hấp thụ. Lúa mì nguyên hạt lại chứa nhiều axit phytic hơn lúa mì tinh chế (16, 17, 18).
- Loại thực phẩm này cũng không chứa tất cả các loại axit amin thiết yếu theo đúng tỷ lệ, do đó nó không phải là một nguồn protein quá tốt cho con người (19).
- Ở những người mẫn cảm với gluten, lớp lót tiêu hóa có thể bị tổn thương, làm giảm sự hấp thụ của tất cả các chất dinh dưỡng (20).
- Một nghiên cứu cho thấy rằng chất xơ lúa mì có thể đốt cháy lượng vitamin D dự trữ trong cơ thể nhanh hơn 30%, từ đó làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D (21).
Kết luận: Lúa mì chứa một chất gọi là axit phytic có thể làm giảm sự hấp thu các khoáng chất quan trọng. Thực phẩm này cũng khiến cơ thể đốt cháy vitamin D dự trữ nhanh hơn, góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt chất.
4. Tiêu thụ lúa mì có liên quan đến một số bệnh về não bộ
Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ lúa mì có liên quan đến các rối loạn não nghiêm trọng.
Gluten và chứng mất điều hòa tiểu não
Chứng mất điều hòa tiểu não là một rối loạn vận động gây ra bởi các tổn thương ở tiểu não – một phần của não điều khiển các chức năng vận động.
Hấp thụ gluten có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn một dạng của bệnh này được gọi là chứng mất điều hòa gluten gây ra sự tấn công tự miễn dịch ở tiểu não.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa gluten, sự mẫn cảm với gluten và chứng mất điều hòa tiểu não (22, 23, 24, 25). Một thử nghiệm đối chứng cũng đã cho thấy sự cải thiện của các bệnh nhân mắc chứng bệnh này khi tuân theo một chế độ ăn không chứa gluten (26).
Gluten và bệnh tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 0.3-0.7% dân số tại một vài thời điểm trong cuộc đời (27).
Có những mối liên quan mạnh mẽ đã được thống kê giữa bệnh celiac, mẫn cảm với gluten và tâm thần phân liệt. Nhiều người mắc tâm thần phân liệt có kháng thể chống lại gluten trong máu (28, 29, 30, 31, 32).
Cũng có một thử nghiệm đối chứng và một số trường hợp cho thấy một số bệnh nhân tâm thần phân liệt (không phải tất cả) cho thấy sự cải thiện tình trạng bệnh khi ăn theo chế độ ăn không có gluten (33, 34, 35, 36).
Các rối loạn não khác
Các rối loạn não khác có thể liên quan đến bệnh celiac và sự mẫn cảm gluten là chứng tự kỷ và động kinh (37, 38, 39, 40).
Đây chỉ là một số ít các rối loạn đã được chứng minh có lên quan đến bệnh celiac và sự mẫn cảm gluten.
Tất nhiên, tôi không khẳng định rằng lúa mì hoặc gluten gây ra những rối loạn này, chỉ có một số bằng chứng cho thấy rằng gluten có thể là một nhân tố góp phần gây bệnh ở một số bệnh nhân.
Điều này chắc chắn cần phải được nghiên cứu kỹ hơn, nếu ăn lúa mì không đem lại lợi ích thực sự thì cá nhân tôi sẽ chọn giải pháp an toàn là tránh ăn nó.
Kết luận: Mẫn cảm với gluten có liên quan đến nhiều rối loạn não, chẳng hạn như tâm thần phân liệt, chứng thiếu điều tiểu não, tự kỷ và động kinh.
5. Lúa mì có thể gây nghiện
Một số người tin rằng lúa mì có thể gây nghiện.
Điều này chắc chắn chưa được chứng minh, nhưng từ những quan sát chúng ta cũng có thể đưa ra một số kết luận.
Khi protein gluten bị phân hủy trong ống nghiệm, chúng hình thành các peptide có thể kích thích thụ thể opioid. Các peptide này được gọi là gluten exorphin (41).
Opioid là thụ thể trong não được kích thích bởi các loại thuốc như heroin, morphine và endorphine – chất được giải phóng tự nhiên trong các hoạt động như chạy.
Theo lý thuyết, gluten sau khi hấp thụ vào cơ thể được phân hủy thành các opioid peptide, sau đó đi vào máu và cuối cùng vào não và gây nghiện lúa mì.
Gluten exorphin đã được tìm thấy trong máu của bệnh nhân celiac. Có một số bằng chứng trên động vật cho thấy gluten exorphin cũng mang lại các tác động tương tự (42, 43).
Tại thời điểm này, kết luận này vẫn chỉ là lý thuyết. Chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào cho thấy lúa mì gây nghiện.
Riêng cá nhân tôi thấy kết luận này khá đúng. Vì ngày trước tôi hay ăn lúa mì và thường có cảm giác thèm món này. Hầu hết những loại thực phẩm khiến tôi có cảm giác thèm đều chứa đường và lúa mì.
Kết luận: Các sản phẩm dễ tiêu hóa chứa gluten có thể kích thích các thụ thể opioid và góp phần gây nghiện. Tuy nhiên, điều này cần được nghiên cứu cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
6. Lúa mì nguyên hạt làm tăng các hạt cholesterol LDL nhỏ có mật độ dày
Mức cholesterol LDL “có hại” cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng LDL không chỉ có 1 loại. Kích thước của các phân tử LDL có vẻ cũng rất quan trọng.
Những người có nhiều hạt LDL nhỏ với mật độ dày đặc (còn gọi là Dạng B) có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Nguy cơ mắc bệnh của những người có nhiều hạt LDL lớn (Dạng A) hơn không cao bằng (44, 45, 46, 47, 48).
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đã chia 36 người thừa cân thành hai nhóm.
Một nhóm được ăn yến mạch nguyên hạt, nhóm còn lại ăn lúa mì nguyên hạt. Nghiên cứu kéo dài 12 tuần và theo dõi các yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim (49).
Nhóm yến mạch đã giảm được tổng lượng LDL, lượng LDL nhỏ với mật độ dày cũng như số lượng hạt LDL (hay còn gọi là LDL-p – một yếu tố nguy cơ quan trọng khác).
Tuy nhiên, nhóm lúa mì lại có lượng LDL tăng 8%, số lượng hạt LDL tăng 14.2% và lượng hạt LDL nhỏ với mật độ dày tăng 60,4%.
Tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính của nhóm yến mạch cũng tăng, nhưng tăng không đáng kể.